Site icon Công ty cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng

Tìm hiểu nghệ thuật ướp trà sen – “vua” của các loại trà

Mấy năm gần đây, ở Hà Nội, rộ lên phong trào uống trà sen ướp “xổi” (thả một dúm trà vào bông sen tươi rồi buộc túm lại. Sáng hôm sau, bỏ ra uống). Nhiều chủ đầm sen Tây Hồ đã ướp theo cách đó và bán với giá 40.000đ-50.000đ/một bông (trong khi giá bán một bông hoa sen khoảng 10.000đ). Nhiều người đã hết lời ca tụng thứ trà sen ướp “xổi” ấy.

Cụ Nguyễn Tuân ngày xưa cũng đã ca tụng cách ướp ấy trong “Vang bóng một thời”. Riêng em, 20 năm tâm huyết với nghề ướp trà sen, kế thừa những bí quyết gia truyền hàng trăm năm của cha mẹ, tổ tiên trao truyền lại, em thấy, cách ướp trà ấy thật khó có thể coi là nghệ thuật được. Càng không phải là thứ trà sen xưa kia chỉ dành cho các bậc vua chúa, thượng lưu quyền quý, thứ trà thượng phẩm mà người đời tôn vinh là “vua” của các loại trà. Bởi lẽ, cứ thả dúm trà vào bông hoa sen tươi rồi ủ một đêm, sáng hôm sau, bỏ ra uống thì một đứa trẻ 6-7 tuổi cũng có thể làm được. (Đó là chưa kể, nhiều người còn bỏ bông sen vào ngăn tủ đá để bảo quản trà được lâu, tránh cho trà bị ủng. Uống trà ấy thường xuyên, sẽ không tốt cho sức khỏe). Phàm đã là nghệ thuật thì phải cầu kỳ, tinh tế, chỉ một số ít người làm được chứ không phải dành cho đại chúng, không phải ai cũng có thể làm được. Không phải ngẫu nhiên mà các trà sư nổi tiếng của Nhật Bản hay của Trung Quốc, mỗi khi đến thăm và giao lưu với em tại Hiên trà Trường Xuân, đều muốn được thưởng thức trà sen và tha thiết đề nghị em chia sẻ về nghệ thuật ướp trà sen.

Để giúp các anh chị hiểu hơn về nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, công phu, mời anh chị đọc bài viết dưới đây của em và xem thước phim ngắn về nghệ thuật ướp trà sen.

CHÉN TRÀ SEN

Hoàng Anh Sướng

“Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ
ấm sành nho nhỏ khói lên tơ
Hồn sen toả ngát trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ”
(Qua áng hương trà của Vũ Hoàng Chương)

Hương hoa sen là những gì tinh tuý nhất của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là một vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý. Theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) thì ” cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, tua sen, hoa, lá… đều là những vị thuốc hay”.

Ở nước ta, không biết cây sen có tự bao giờ, chỉ biết đâu đâu cũng thấy bạt ngàn hoa sen. Từ miền núi, trung du đến đồng bằng, nhiều nhất là ở Đồng Tháp Mười, vùng đồng trũng Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng. Song tuyệt nhất vẫn là sen Hồ Tây, đặc biệt là vùng Đồng Trị, Thuỷ Sứ thuộc làng Tây Hồ (Quảng Bá). Bông sen nơi đây rất lớn, hương thơm ngát, mỗi bông cho từ 9 – 10g gạo. Những hạt gạo sen trắng tinh nằm trên những tua hoa thanh mảnh, màu vàng rực. Hoa sen thường nở vào lúc bình minh. Và khi mặt trời còn chìm trong sương sớm, hoa hàm tiếu (ngậm cười) chờ đợi. Và khi những tia nắng đầu tiên bừng chiếu, hàng triệu đoá sen hồng hé nở toả hương ngây ngất cả một vùng trời. Đúng lúc ấy, người nông phu chống sào đẩy thuyền lướt trên mặt hồ, hai tay nâng niu ngắt từng bông nhẹ nhàng đặt vào khoang thuyền. Cho đến khi lòng thuyền đầy ắp hoa, họ chống sào cập bến, sen được đưa về nhà. Những thôn nữ với đôi tay trắng ngần nuột nà, bàn tay trái ôm chặt đài hoa, bàn tay phải khéo léo đẩy nhẹ những ngón tay cho những hạt gạo (túi hương) rơi vào lòng chiếc lá sen lớn. Sau đó, dùng lạt buộc túm lại để nuôi hương.

Ướp trà sen là một nghề, hơn thế là một nghệ thuật lắm công phu, đòi hỏi ở người ướp sự nhẫn nại, đôi tay tinh tế và diệu nghệ. Đặc biệt, tâm hồn phải sạch trong, nhân hậu, thuỳ mị, đoan trang. Bởi hương sen rất cao quý, tinh khiết, một chút bụi nhơ cũng làm vẩn đục hương hoa. Trong nghệ thuật ướp trà sen, trà mạn hảo được ưa chuộng nhất. Đó là trà Tuyết Shan vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi có độ cao từ 800 – 1300 m quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp trà phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng, từng tia sáng của mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, trở thành đặc sản mà những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích. Họ trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ. Cuống và lá trà già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại) trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ.

Khi ướp người ta rải một lớp trà rồi một lớp mỏng gạo sen, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi trà chè. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Trà và gạo sen được chứa trong một “chiếc quả” (dùng để đựng cau và các lễ vật cưới xin). Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 – 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Trà đã sàng loại xong được cho vào một chiếc túi bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà đã khô, hương sen quyện vào trà thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người uống trà đậm hay nhạt. Hương sen càng quyện vào cánh trà, càng ướp nhiều thì trà càng thơm. Trung bình, mỗi cần trà ướp cần từ 1000 – 1200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi kg trà sen được đổi bằng 2 – 3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức tìm mua bằng được. Hiện nay, ở Hiên trà Trường Xuân, giá mỗi kg trà sen là 6 triệu đồng.

Những sớm ban mai, những buổi chiều tà, gặp người tri kỷ, thủ thỉ tâm tình bên ấm trà sen hương đượm, có chốn bồng lai tiên cảnh nào bằng. Cái tinh của trà sen, cái hương thơm ngọt ngào, trong trẻo của nó sẽ làm cho hồn người thư thái, có thể tẩy được bụi trần, rửa được lòng tục. Người kén trà, trà cũng kén người. Đó là sự gặp gỡ, hoà hợp của những tư chất, tâm hồn trong sạch, thanh tao. Và kỳ lạ thay khi mỗi cánh chè, mỗi dòng hương là cả một tinh tuý của đất trời, của con người tụ lại.

” Nâng chén mừng anh thưởng vị trà
Đừng quên tan tác mấy đời hoa
Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm
Vớt lại trần ai một chút ta”

Exit mobile version