Thục địa là gì?
Thục địa (Radix Rehmanniae) là vị thuốc đông y, chế biến từ phần rễ cây địa hoàng tươi hay đã phơi, sấy khô (hay còn gọi là sinh địa). Ngày nay, thục địa được coi như một loại thần dược giúp bổ thận, dưỡng huyết, ích tinh,…
Địa hoàng loài cây thân thảo, sống nhiều năm, thường được sử dụng để làm thuốc. Địa hoàng có tên khoa học là Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch., thuộc họ Hoa Mõm chó (Scrophulariaceae).
Thục địa được chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau, phương pháp được sử dụng phổ biến là: Đun Sinh địa liên tục 2 ngày 2 đêm trong nước pha cùng bột Sa nhân và gừng tươi giã nhỏ. Để ráo rồi tẩm với dung dịch nước đun và rượu (với tỷ lệ 1:1) trong 3 giờ rồi đem phơi. Làm nhiều lần như vậy cho đến khi cạn nước.
Ngăn ngừa loãng xương
Chiết xuất từ thục địa đã được nghiên cứu giúp điều chỉnh hoạt động của phosphatase kiềm và hormone protein (osteocalcin) được tiết ra từ các tế bào tạo xương.
Theo cơ chế giúp tăng cường mật độ khoáng xương, tăng sinh các tế bào tạo xương và ức chế sự hình thành các tế bào hủy xương.Từ đó, ngăn ngừa loãng xương, tăng biểu hiện của các gen liên quan đến xương mất xương ở chuột bị tiểu đường.
Ổn định đường huyết
Kết quả một nghiên cứu khác trên chuột đã chỉ ra rằng, chiết xuất từ thục địa giúp làm giảm tăng đường huyết, điều chỉnh hoạt động của các enzyme cân bằng lượng glucoso trong máu bằng cách giảm hoạt động glucose-6-phosphatase và phosphofructokinase, kích thích hoạt động của các enzym phân giải đường.
Bên cạnh đó, thục địa còn giúp kích thích giải phóng và giảm đề kháng insulin – một loại hormone từ tuyến tụy giúp cân bằng glucose huyết.
Chống lão hóa
Năm 2018, nghiên cứu về tác dụng chống lão hóa ở chuột cho thấy rằng Địa hoàng có thể kéo dài tuổi thọ và giúp sự lão hoá của tế bào diễn ra lâu hơn.
Dẫn chứng là những con chuột không được bổ sung thục địa trong chế độ ăn có dấu hiệu của việc mất khả năng vận động và phản ứng, mất độ bóng của da, rụng lông, tổn thương quanh mắt cũng như mức độ nghiêm trọng tăng lên rõ rệt và đến sớm hơn.
Trong khi đó, chuột được bổ sung thục địa đầy đủ trong thời gian dài hơn có tuổi thọ dài hơn.
Giảm triệu chứng bệnh thiếu máu
Thục địa giúp giảm triệu chứng thiếu máu nhờ khả năng làm gia tăng mạnh mẽ của các tế bào máu ở tủy xương được nuôi cấy và sự gia tăng số lượng hồng cầu.
Catalpol là hợp chất iridoid, thành phần chính được tìm thấy trong thục địa. Bên cạnh việc giúp tăng tạo máu của tủy xương, catalpol đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ, chống lại tổn thương do thiếu máu cục bộ /tái tưới máu ở não, tim và thận.
Kháng viêm
Thục địa giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ức chế các phản ứng và hội chứng viêm, bảo vệ chống lại tổn thương tế bào bằng cách loại bỏ các gốc tự do.
Nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy, nhóm được điều trị bằng chất chiết xuất từ thục địa có mức độ protein phản ứng C (CRP) trong huyết tương giảm so với nhóm tiểu đường không được điều trị và nhóm bị tiểu đường được điều trị bằng metformin.
Hỗ trợ chức năng thận
Thục địa cải thiện tình trạng suy thận tiến triển bằng cách bảo vệ và tái tạo thận.
Một nghiên cứu trên người nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của địa hoàng cũng cho thấy rễ cây địa hoàng kết hợp với thuốc chẹn thụ thể angiotensin cải thiện protein niệu ở bệnh nhân viêm cầu thận mãn tính.
Cải thiện chức năng gan và tiêu hóa
Thục địa được sử dụng để điều trị các rối loạn đường tiêu hóa và ức chế tình trạng viêm và xơ gan.
Thục địa được chế biến từ rễ địa hoàng giàu hàm lượng tinh bột và có vị ngọt làm cho nó có hiệu quả như một chất đông tụ, giúp cải thiện chức năng gan và tiêu hóa.
Bên cạnh đó, thục địa cũng chứa các hợp chất làm se có thể hỗ trợ cơ thể chống lại sự hình thành các vết loét và giảm viêm trong đường tiêu hóa.
Lưu ý khi sử dụng thục địa
Thục địa đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, tuy nhiên nó có thể gây ra một vài tác dụng không mong muốn như: tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt do thiếu khí, hồi hộp,…
Do đó, cần lưu ý khi sử dụng thục địa:
- Không dùng cho người có vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu hóa, bị tiêu chảy, hay đau bụng.
- Không dùng chung với một số dược liệu khác: Tam bạch, Thông bạch, Bối mẫu, La bặc,….
- Không dùng cho người bị bệnh gan.
- Không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Chỉ nên dùng tối đa từ 8 – 16gram/ngày và không nên sử dụng trên 8 tuần.