Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng mắc phải khi chúng ta ăn hoặc uống thực phẩm bị ô nhiễm, hư hỏng hoặc độc hại. Cụ thể là các thực phẩm bị nhiễm vi trùng như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất như chất độc hay kim loại có thể gây bệnh.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Chúng bao gồm buồn nôn, đau bụng, co thắt dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy.
Đau bụng và chuột rút
Bạn có thể bị đau bụng, xung quanh phần thân cơ thể hoặc khu vực bên dưới xương sườn và trên xương chậu.
Đối với trường hợp ngộ độc thực phẩm, các sinh vật có hại có thể tạo ra chất độc gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột của bạn. Điều này có thể dẫn đến viêm, co thắt, đau dạ dày, gây đau bụng.
Đau bụng thường gặp ở nhiều bệnh khác nhau và không phải tất cả trường hợp ngộ độc thực phẩm đều bị đau bụng và chuột rút.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là một triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm.
Triệu chứng này xảy ra khi tiết dịch và tình trạng viêm làm cho ruột của bạn bị giảm tái hấp thu nước và các chất lỏng khác. Tiêu chảy cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác như mót rặn, đầy hơi hoặc đau quặn bụng.
Bạn sẽ mất nhiều chất lỏng hơn bình thường khi bị tiêu chảy dẫn đến tăng nguy cơ bị mất nước. Do đó điều quan trọng là phải uống nước để giữ đủ nước.
Bạn có thể bổ sung nước và năng lượng cho cơ thể bằng thức ăn lỏng như cháo, súp nếu bạn không thể ăn thức ăn thông thường.
Nhức đầu
Ngộ độc thực phẩm có thể khiến bạn mệt mỏi và mất nước, đồng thời dẫn đến đau đầu.
Theo một nghiên cứu cho biết, khi cơ thể mất hoặc thiếu nước, lượng nước không đủ dẫn đến tăng trương lực não và “mất nước não”. Sau đó có thể tạo ra lực tác động lên màng não và hệ thống mạch máu tạo các cơn đau. Tuy nhiên, cơ chế chính xác của đau đầu do mất nước vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Ngoài ra, khi bị ngộ độc thực phẩm nếu chúng ta chán ăn có thể làm trầm trọng tình trạng mất nước, dẫn đến tăng nguy cơ nhức đầu. Bạn có thể đặc biệt dễ bị đau đầu nếu bị nôn mửa và tiêu chảy liêm tục.
Nôn mửa
Nôn mửa là phản ứng của cơ thể để loại bỏ các chất trong đường tiêu hóa.
Nếu bạn bị nôn liên tục và không thể giữ được chất lỏng sau khi bổ sung nước hoặc thức ăn, bạn nên tìm sự trợ giúp của bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh bị mất nước.
Mệt mỏi, chán ăn
Khi ngộ độc thực phẩm, cơ thể bạn thường mệt mỏi và chán ăn. Đây cũng là cách giúp bảo vệ cơ thể khỏi những mầm bệnh.
Tuy nhiên, lúc này cơ thể phải có sự kiểm soát cân bằng nội môi tốt. Vì tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng đề kháng của cơ thể.
Sốt
Nhiệt độ cơ thể cao từ 38 độ C trở lên là dấu hiệu của sốt. Sốt xuất hiện trong nhiều bệnh và xuất hiện như một phần của cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Sự gia tăng nhiệt độ làm tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu, giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Các chất gây sốt tạo ra sự kích thích gây đáp ứng tăng nhiệt độ cơ thể. Chúng được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch trong cơ thể hoặc từ vi khuẩn truyền nhiễm đã xâm nhập vào cơ thể bạn.
Các chất gây sốt gửi các thông điệp đánh lừa não của bạn, khiến bạn cảm thấy cơ thể đang lạnh hơn bình thường. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể tạo ra nhiều nhiệt hơn và mất ít nhiệt hơn, do đó làm tăng nhiệt độ, dẫn đến sốt.
Cảm thấy ớn lạnh
Cảm giác ớn lạnh thường kèm theo sốt. Những cơn rùng mình này là kết quả của việc cơ bắp của bạn nhanh chóng co lại và giãn ra, tạo ra nhiệt. Chúng thường đi kèm với cơn sốt vì chất gây sốt đánh lừa cơ thể bạn nghĩ rằng trời lạnh và cần phải sưởi ấm.
Bên cạnh đó, ớn lạnh thường dự báo sự xuất hiện của một cơn sốt hoặc sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể.
Suy nhược cơ thể
Suy nhược và mệt mỏi là các triệu chứng khác của ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân có thể do ăn ít hoặc chán ăn dẫn đến cảm thấy mệt mỏi.
Suy nhược và mệt mỏi đều là những triệu chứng xuất hiện khi cơ thể ốm yếu, báo hiệu rằng cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi và ưu tiên việc cải thiện sức khỏe. Trên thực tế, chúng cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi, điều tốt nhất nên làm là lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi.
Buồn nôn
Buồn nôn là cảm giác khó chịu mà bạn sắp nôn ra để tống thức ăn ra ngoài mặc dù cơ thể bạn có thể thực sự muốn như vậy hoặc không.
Mặc dù cảm thấy buồn nôn trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm là điều bình thường, nhưng cảm giác buồn nôn có thể xảy ra vì nhiều lý do khác, bao gồm chứng đau nửa đầu, say tàu xe và ăn quá nhiều.
Buồn nôn liên quan đến ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện từ 1 – 8 giờ sau bữa ăn. Buồn nôn hoạt động như một tín hiệu cảnh báo để cơ thể biết rằng bạn có thể đã ăn phải thứ gì đó gây hại.
Đau cơ
Khi ngộ độc thực phẩm, cơ bắp của bạn có thể đau nhức do bị nhiễm trùng. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch đã được kích hoạt, gây ra tình trạng viêm.
Trong quá trình này, cơ thể bắt đầu giải phóng histamin, là một chất hóa học giúp giãn mạch máu tạo điều kiện giúp nhiều tế bào bạch cầu đi qua để chống lại nhiễm trùng, đồng thời giúp tăng lưu lượng máu đến các vùng bị nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, một chất khác cũng liên quan đến phản ứng miễn dịch là cytokin cùng với histamin có thể đi đến những nơi khác trong cơ thể và kích hoạt thụ thể gây đau.
Điều này có thể làm cho một số bộ phận trên cơ thể nhạy cảm hơn với cơn đau và dẫn đến những cơn đau âm ỉ mà bạn thường gặp khi bị ốm.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Khi có một trong các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm bạn nên đến thăm khám bác sĩ sớm nhất để có thể thực hiện các bài test chẩn đoán ngộ độc thực phẩm.
Các xét nghiệm ngộ độc thực phẩm
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể cho tiến hành xét nghiệm kiểm tra ký sinh trùng nếu nghi ngờ nhiễm trùng đã lan vào máu. Xét nghiệm máu có thể phát hiện vi khuẩn Listeria monocytogenes và vi rút viêm gan A. Các xét nghiệm máu cụ thể có thể cho biết bạn bị bệnh như thế nào bằng cách tìm kiếm dấu hiệu viêm nhiễm và các dấu hiệu cho thấy tình trạng mất nước.
- Cấy phân: Là xét nghiệm phổ biến nhất trong phòng thí nghiệm đối với ngộ độc thực phẩm. Xét nghiệm mẫu phân giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm phân còn cho biết “dấu vân tay” DNA của vi trùng và loại kháng sinh nào sẽ tiêu diệt nó. Các xét nghiệm phân không phải lúc nào cũng chính xác và có thể mất vài ngày để thực hiện lại xét nghiệm.
- Xét nghiệm ký sinh trùng: Xét nghiệm ký sinh trùng là cách để chẩn đoán bệnh vi sinh – ký sinh trùng giúp người bệnh có kết quả chính xác nhất về tình trạng bệnh đang mắc phải.
Thông thường, nhiều người cho rằng chẩn đoán bệnh ký sinh thường bằng cách xét nghiệm máu. Nhưng để có thể biết được nguyên nhân có phải đến từ ký sinh trùng hay không và tình trạng bệnh như thế nào thì bác sĩ sẽ cần xem xét thêm nhiều xét nghiệm khác trong đó có xét nghiệm ký sinh trùng.