Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong.
Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
8 giải pháp tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng – đã gửi Công văn số 872/DP-DT ngày 05/10/2021 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương, cụ thể như sau:
1. Phun hóa chất xử lý triệt để các ổ dịch
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
2. Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống COVID-19
Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống COVID-19. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
3. Giám sát côn trùng
Củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời.
4. Tập huấn phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu
Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.
5. Thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
6. Phòng chống sốt xuất huyết tại điểm nóng
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng chống COVID-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.
7. Cập nhật qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm
Chỉ đạo các đơn vị y tế cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TTBYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
8. Bổ sung kinh phí phòng chống dịch sốt xuất huyết
Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết để triển khai các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.