Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính thường gặp ở những người trên 40 tuổi, đặc biệt là sau 60 tuổi. Thoái hóa khớp gây ra những thay đổi về xương, thoái hóa gân – dây chằng và phá vỡ sụn, dẫn đến đau, sưng và biến dạng khớp.
Thoái hóa khớp được phân thành 2 loại:
- Nguyên phát: phổ biến nhất, chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, cột sống, hông, đầu gối và các ngón chân.
- Thứ phát: Xảy ra do bất thường sụn khớp từ trước: chấn thương, bất thường khớp bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng,…
Di truyền từ gia đình
Một số người có bất thường di truyền ở một trong những gen có chức năng hình thành sụn, khiến sụn bị khiếm khuyết, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa khớp.
Những người có người thân bị thoái hóa khớp sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn so với người bình thường.
Béo phì
Trọng lượng của cơ thể quá nặng sẽ gây ra áp lực rất lớn cho hệ thống xương khớp, khiến cho sụn khớp bị nứt, vỡ; làm tổn thương sụn và đầu xương dưới sụn gây ra suy thoái khớp. Béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa các vùng khớp chịu lực nhiều như khớp gối, hông và cột sống.
Chấn thương
Chấn thương ở khớp do tai nạn, luyện tập thể thao quá độ,… sẽ tạo điều kiện cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
Ví dụ, vận động viên bị chấn thương liên quan đến đầu gối có thể tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp gối. Những người đã từng bị chấn thương nặng ở lưng sẽ dễ bị thoái hóa khớp cột sống.
Xương khớp bị tổn thương trong thời gian dài
Việc tập luyện quá sức, lao động, bê vác vật nặng trong thời gian dài dễ khiến các khớp bị tổn thương. Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn và nghiêm trọng hơn.
Mắc một số bệnh khác
Những người bị bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp. Quá trình oxy hóa lipid có thể tạo ra chất lắng đọng trong sụn, ảnh hưởng đến lưu lượng máu của xương dưới sụn.
Ngoài ra, một số tình trạng hiếm gặp, chẳng hạn thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng cũng làm tăng mắc bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp như:
- Tuổi tác: Thoái hóa có liên quan mật thiết đến độ tuổi. Bởi tuổi càng cao, quá trình lão hóa tự nhiên càng diễn ra mạnh mẽ. Lúc này, hệ xương khớp cũng chịu nhiều ảnh hưởng, suy yếu dần và bắt đầu thoái hóa.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam giới. Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh, nồng độ hormone estrogen giảm làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp vì estrogen có tác dụng bảo vệ sức khỏe của xương.
- Dị tật khớp bẩm sinh: Những người mắc các dị tật bẩm sinh ở khớp và cột sống làm sai lệch cấu trúc xương và sụn, khiến mô sụn nhanh bị bào mòn sẽ dễ mắc thoái hóa khớp và bị nặng hơn người bình thường.
- Sinh hoạt sai tư thế như nằm, ngồi hay cúi gập người sai cách; ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, ít vận động,.. cũng vô tình gây áp lực lên các khớp làm gia tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp