Đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, đi lỏng, táo bón, rối loạn tiêu hóa… là các chứng bệnh thường gặp ở hệ tiêu hóa. Trong Đông y có một số vị thuốc có thể sử dụng tốt cho những người mắc các tình trạng này.
Mùa hè đến có biết bao món ăn, hoa quả thơm ngon, vậy mà nhiều người ăn vào hay bị đau bụng, đi ngoài. Tất cả đều do đường tiêu hóa có vấn đề.
Mùa hè còn là mùa của dịch bệnh, có thể dễ nhiễm phải các chứng bệnh có liên quan đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy cấp, tả, lỵ…
Dưới đây là 3 vị thuốc đông y có công năng tốt cho hệ tiêu hóa.
1. Sơn tra
Tên dân gian: Còn gọi là táo mèo, bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra…
Tên khoa học: Crataegus cuneara, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.
Tính vị quy kinh: Có vị chua chát, tính bình, quy kinh can, vị, tỳ.
Công năng: Tiêu thực, trừ tích trệ, trừ đàm, tiêu viêm, trừ đầy chướng.
Chủ trị: Tiêu thức ăn tại vị, chữa chứng đau dạ dày do thiếu acid, tiêu mỡ bụng, giảm mỡ máu, điều trị chứng gan nhiễm mỡ; có tác dụng tiêu mụn nếu đắp trực tiếp. Ngoài ra, nó còn có công hiệu tiêu huyết ứ trệ.
2. Gừng
Tên thường gọi: Sinh khương, gừng gió…
Tên khoa học: Zingiber, họ Gừng (Zingiberaceae).
Tính vị quy kinh: Vị cay, tính ấm, quy tâm, tỳ, phế, vị. Riêng can khương tính nóng.
Công năng: Phát tán phong hàn, giải biểu, trị cảm mạo, ôn trung trừ hàn, cầm nôn, mạnh tỳ vị.
– Đầu tiên là dùng làm gia vị chế biến các món ăn, giảm độc tính và giảm bớt tính hàn các món ăn khác không ảnh hưởng đến tỳ vị.
– Tăng tiết mồ hôi và giải biểu, làm ấm tỳ và vị và giảm nôn, làm ấm phế và giảm ho; giải độc bán hạ, nam tinh và cua cá, thịt chim thú, giải dị ứng.
Trong Y học cổ truyền, Gừng tươi còn được gọi là Sinh khương là vị thuốc có tác dụng ôn trung tán hàn, thông mạch, ôn phế, hóa ẩm vừa công hiệu vừa dễ tìm vừa rẻ tiền, chữa hiệu quả các chứng thức ăn không tiêu, nôn mửa, đau lạnh vùng bụng.
3. Nghệ vàng
Tên khoa học: Curcuma longa
Họ: Gừng Zingiberaceae.
Tính vị quy kinh: Vị cay, đắng, tính ấm, quy kinh tỳ, vị.
Công năng chủ trị: Phá ác huyết (máu xấu, máu độc), huyết tích (máu bị vón cục)…
Nghệ thường được dùng trong bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sau sinh đau bụng.
Kiêng kỵ: Người có thai không nên dùng.
Nghệ có thể bảo vệ niêm mạc đường ruột và đường tiêu hóa, ức chế sự tạo khí, làm tăng lượng chất nhầy trong dịch vị, chống tổn thương viêm loét, ngăn chặn sự hình thành của loét dạ dày – tá tràng.